Diễn biến Khởi nghĩa Khăn Vàng

Sự lan rộng của Khăn Vàng

Ngày nổi dậy, Trương Giác tự xưng là Thiên công tướng quân, Trương Bảo tự xưng là Địa công tướng quân, Trương Lương tự xưng là Nhân công tướng quân. Trong quân may cờ màu vàng làm hiệu.

Quân Khăn Vàng đồng loạt nổi lên tấn công vào các thôn trang, gặp nha môn là đốt phá. Các đầu mục tại các địa phương chia nhau tấn công các nơi dưới quyền các tướng: Trương Mạn Thành, Trương Ngưu Giác, Lý Đại Mục, Trương Trượng Bát, Đào Bình Hán, Lôi Công, Bạch Tước, Ba Tài. Các quan lại địa phương của nhà Hán hầu như không dám chống cự.[4] Chỉ trong không đầy 10 ngày, người trong thiên hạ hưởng ứng rất nhiều, kinh đô Lạc Dương chấn động.

Trước tình hình nguy cấp, Tả trung lang tướng Hoàng Phủ Tung kiến nghị Hán Linh Đế bỏ lệnh cấm và xá tội cho các lực lượng quần chúng bị xem là "bè đảng" trong xã hội để giảm sự bất bình của họ; đồng thời thưởng tiền cho tướng sĩ để khuyến khích họ ra trận lập công. Đại thần Lã Cường cũng có kiến nghị tương tự.[7] Các kiến nghị này của được Linh Đế chấp thuận.

Hán Linh Đế theo đề nghị của Đại tướng quân Hà Tiến, phái 3 tướng là Bắc trung lang tướng Lư Thực, Tả trung lang tướng Hoàng Phủ Tung và Hữu trung lang tướng Chu Tuấn ra mặt trận đánh dẹp. Lư Thực được cử lên Ký châu, Hoàng Phủ Tung và Chu Tuấn được cử đi Dự châu.

Mặt trận phía nam

Hoàng Phủ Tung và Chu Tuấn điều động tập hợp kị binh 5 hiệu và chiêu mộ thêm binh sĩ, tổng cộng được 40 vạn người.[8] Hai tướng chia nhau suất lĩnh một cánh quân ra đánh quân Khăn Vàng ở Dĩnh Xuyên.

Hoàng Phủ Tung và Chu Tuấn bị tướng Khăn Vàng là Ba Tài đánh bại trận đầu, bèn lui về giữ Trường Xã.[9] Quân Khăn Vàng kéo tới bao vây. Quân Khăn Vàng phần đông là nông dân mới vào quân, chưa quen chiến đấu chuyên nghiệp, chỉ tác chiến ban ngày tới đêm thì ngủ. Một nhược điểm nữa của quân Khăn Vàng là chủ tướng Ba Tài không biết tìm chỗ đóng quân hợp lý, lại chọn nơi đồng cỏ khô đóng đồn trại.

Vì vậy Hoàng Phủ Tung quyết định đánh tập kích vào ban đêm khi quân Khăn Vàng đang nghỉ ngơi không kịp trở tay. Nhân gió đêm đó có gió, Hoàng Phủ Tung dùng hỏa công đánh vào doanh trại địch, đồng cỏ khô cháy dữ dội, quân Khăn Vàng bị phá tan, thiệt hại hàng vạn người.[10]

Ba Tài mang tàn quân bỏ chạy tới Dương Hoắc. Hoàng Phủ Tung và Chu Tuấn thừa thắng mang quân đuổi theo. Hoàng Phủ Tung tiếp tục đánh thắng quân Khăn Vàng tại Nhữ Nam, nước Trần, truy kích Ba Tài. Sau đó Hoàng Phủ Tung đánh tướng Khăn Vàng khác là Bành Thoát, liên tục thắng lợi, đoạt lại được 3 quận.

Tháng 8 năm đó, Hoàng Phủ Tung đụng độ tướng Khăn Vàng là Bốc Dĩ ở Thương Đình. Ông phá tan quân Bốc Dĩ, giết hơn 7000 người.[11]

Mặt trận phía bắc

Ở mặt trận phía bắc vùng Ký châu, Trương Giác chiếm giữ Quảng Tông,[12] khống chế trung tâm Hà Bắc. Tướng Lư Thực mang quân tới giao chiến. Dù quân ít hơn nhưng Lư Thực vẫn bao vây được Quảng Tông.[13] Hai bên giằng co nhiều ngày chưa phân thắng bại.

Hán Linh Đế sai hoạn quan Tả Phong đi thị sát Lư Thực. Tả Phong đòi Lư Thực hối lộ, Lư Thực không chịu đáp ứng. Vì vậy Tả Phong về vu cáo với Hán Linh Đế rằng lẽ ra quân Hán có thể diệt được Trương Giác nhưng Lư Thực không hết sức đánh trận nên chiến sự kéo dài.[13]

Hán Linh Đế nghe theo Tả Phong, bèn sai sứ đến Quảng Tông cách chức, bắt giam Lư Thực, cử Đông trung lang tướng Đổng Trác ra thay. Tuy nhiên Đổng Trác cũng không thắng được Trương Giác, bị Trương Giác đánh bại. Hán Linh Đế bèn lệnh phái Hoàng Phủ Tung lên mặt trận phía bắc.

Tam quốc diễn nghĩa kể rằng khi Đổng Trác bị đánh bại đã được ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi cứu thoát.

Giữa lúc chiến sự chưa phân thắng bại thì Trương Giác lâm bệnh qua đời. Trương Lương lên thống lĩnh quân sĩ.

Hoàng Phủ Tung giữ vững trận thế, không ra mặt đối địch với Trương Lương. Chờ khi quân Khăn Vàng lơi lỏng, Hoàng Phủ Tung mới bất ngờ tập kích Trương Lương lúc rạng sáng khiến quân địch không kịp trở tay. Kết quả trận Quảng Tông, Trương Lương cùng quân Khăn Vàng bị giết 7 vạn người, ngoài ra có hơn 5 vạn quân Khăn Vàng nhảy xuống sông chết đuối.[10] Hơn 3 vạn xe quân nhu của quân Khăn Vàng bị quân Hán thiêu hủy. Quân chủ lực Khăn Vàng tan vỡ. Hoàng Phủ Tung tìm đến mộ Trương Giác, sai quân băm xác, chặt đầu mang về Lạc Dương dâng Hán Linh Đế.

Các thủ lĩnh Khăn Vàng chỉ còn lại Trương Bảo. Tháng 11 năm 184, Trương Bảo chạy về Hạ Khúc Dương.[14] Hoàng Phủ Tung mang quân đuổi theo, lệnh cho Thái thú Cự Lộc là Phùng Dực cùng hợp lực truy kích. Hai cánh quân phối hợp đại phá quân Khăn Vàng ở Khúc Dương. Trương Bảo bị quân Hán bắt và mang chém. Số quân Khăn Vàng bị giết tại Hạ Khúc Dương lên tới hàng chục vạn người, được chôn chung ở phía nam thành Hạ Khúc Dương thành ngôi mộ rất lớn (kinh quan).[10]

Cả ba anh em Trương Giác đều chết, lực lượng Khăn Vàng khởi sự ban đầu bị dẹp. Tuy nhiên, các thủ hạ của Trương Giác vẫn tiếp tục chống lại nhà Hán trong nhiều năm sau.